Trên cơ sở tổng kết, đánh giá những thành tựu, kết quả nổi bật đạt được trong cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm trong cải cách hành chính; đồng thời, căn cứ vào quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cải cách nền hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, theo đó, xác định rõ mục tiêu cải cách hành chính 10 năm tới là tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030.
Trên cơ sở đó, Chương trình tổng thể giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào 6 nội dung cải cách hành chính, với hơn 40 mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, có tính định lượng cao để tạo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai và theo dõi, đánh giá; đó là: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ và Cải cách tài chính công và Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Chú trọng cải cách chính sách tiền lương và xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
Chương trình tổng thể cũng đã xác định rõ trọng tâm của cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030, gồm: cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương và xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Ngay sau khi Nghị quyết số 76/NQ-CP được ban hành, Bộ Nội vụ đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đặc biệt là, ngày 02/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CTTTg về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, nhằm chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP; chỉ đạo ưu tiên thực hiện một số nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm trong năm 2021 và những năm tiếp theo để kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đang đặt ra, nhất là việc hỗ trợ, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc và khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19, sớm đưa đất nước kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, chủ động xây dựng, ban hành Kế hoạch cải cách hành chính 5 năm, hàng năm để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao, bám sát thực tiễn và từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước
Để thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, đơn vị trực thuộc để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể tại các Bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo thực hiện tốt công tác lập kế hoạch cải cách hành chính.
Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính được giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP, Chỉ thị số 23/CT-TTg; trong đó, các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính cụ thể, khả thi, có tính định lượng và xác định rõ kết quả, sản phẩm đầu ra theo lộ trình hàng năm, gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện và nguồn lực bảo đảm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Các Bộ, ngành, địa phương gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Coi trọng công tác thi đua, khen thưởng trong cải cách hành chính. Tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của cơ quan thường trực cải cách hành chính tại Bộ, ngành, địa phương. Có cơ chế phân công, phối hợp thống nhất, rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung cải cách hành chính để bảo đảm Chương trình/Kế hoạch được triển khai đồng bộ, thống nhất theo lộ trình và mục tiêu đã đề ra.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về cải cách hành chính
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội. Cải cách hành chính không chỉ là công việc riêng của hệ thống hành chính, mà là yêu cầu chung của toàn xã hội.
Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để mọi cán bộ, công chức và người dân nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành các chủ trương, chính sách, nội dung cải cách hành chính của Đảng, Nhà nước. Tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Tiếp tục sử dụng công cụ, biện pháp thiết thực để phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, như tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho cải cách hành chính. Huy động và bố trí đủ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi liền với các chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với Nhân dân. Tạo động lực cải cách bên trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều biện pháp, như: Đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ; quan tâm đến nâng cao lợi ích của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng chính sách lương, thưởng thỏa đáng; đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả công việc; cơ chế, chính sách khuyến khích về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và tạo cơ hội thăng tiến, phát triển cho những cá nhân có trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính.
Đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức. Thường xuyên nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chí, đổi mới phương pháp đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm theo hướng toàn diện, đa chiều, công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong đánh giá. Sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính.