10:49 18/05/2022
Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại tỉnh Sóc Trăng

Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng đã xác định việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số vào hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh nhà theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Tỉnh uỷ Sóc Trăng. Chính vì thế, ngành Y tế không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại vào các lĩnh vực y tế, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số được chú trọng thực hiện nhiều ở lĩnh vực khám, chữa bệnh và lĩnh vực y tế dự phòng.

Thật vậy, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã được chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao, hiện đại từ tuyến trên, như: ứng dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (kỹ thuật ECMO); can thiệp mạch vành, thần kinh; nội soi khớp gối; kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu (HDF Online); kỹ thuật đốt u bằng vi sóng;... góp phần cứu sống rất nhiều trường hợp thập tử nhất sinh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Đối với ngoại khoa, nội khoa, y học cổ truyền và phục hồi chức năng thì được bổ sung phác đồ điều trị mới sau khi nghiên cứu ở các nước tiên tiến, các bệnh lý trước đây gần như phải chuyển tuyến thì giờ đây đã được điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đối với kỹ thuật về cấp cứu, chẩn đoán, điều trị cho bà mẹ và trẻ em, các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện được các xét nghiệm tầm soát ung thư, xét nghiệm tầm soát trước sinh, các xét nghiệm nội khoa, phẫu thuật viêm ruột thừa bằng phương pháp nội soi, sanh không đau, sử dụng máy siêu âm cao tần trong phẫu thuật nội soi và mổ hở, giúp mổ nhanh, hạn chế mất máu, hạn chế tai biến trong phẫu thuật, hạn chế vật tư tiêu hao, rút ngắn thời gian nằm viện và giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh đã đưa vào vận hành hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện với rất nhiều Module chuyên biệt, như: quản lý kê đơn thuốc ngoại trú, quản lý bệnh nhân nội trú, thanh quyết toán bảo hiểm y tế, quản lý xét nghiệm, quản lý tài chính và quản lý ngân hàng máu đã giúp công tác quản lý khám chữa bệnh, quản lý chất lượng bệnh viện được nâng cao đáng kể. Đến giai đoạn dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai khai báo y tế trực tuyến, đo thân nhiệt tự động, hệ thống nhận dạng vân tay người nhà bệnh nhân nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh; xây dựng, triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa và tổ chức tư vấn, khám chữa bệnh cho người dân bằng nhiều hình thức từ trực tiếp tại khoa, phòng khám bệnh đến gián tiếp qua các kênh truyền thông, như: website, fanpage, zalo page, nhắn tin hẹn tái khám,… giúp cho người dân có thêm nhiều lựa chọn cách tiếp cận thông tin. Ngoài việc áp dụng công nghệ 4.0 trong khám chữa bệnh mà còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác chỉ đạo tuyến qua hình thức trao đổi trực tuyến.

Chuyển giao một kỹ thuật mới từ tuyến trên tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng

(Ảnh: Đình Khá, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng)

Các cơ quan, đơn vị ở lĩnh vực y tế dự phòng đã không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật, phần mềm mới nhằm tiết kiệm được nhiều chi phí nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả cao, như: kỹ thuật xét nghiệm giúp giám sát, phát hiện dịch chủ động; thiết bị phục vụ giám sát đo lường, kiểm dịch, vệ sinh môi trường lao động; kỹ thuật giám sát kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm; các phần mềm quản lý nhập - xuất vaccine; phần mềm trả các kết quả xét nghiệm; phần mềm cập nhật thông tin tiêm chủng cho người dân;…

Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong giai đoạn tới, ngoài thực hiện các giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, thì cần phải tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu khoa học, những chuyển giao công nghệ mới vào lĩnh vực y tế - là một trong những giải pháp có tính đột phá. Cụ thể, ngành Y tế phấn đấu từ năm 2022 đến năm 2025 đạt một số mục tiêu sau: 1) 80% hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ; thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế. 2) 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa; 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến; 100 % nhân viên y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam. 3) 100% người dân được định danh y tế; 100% nhân viên y tế (bác sĩ, dược sĩ, cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế) được định danh; 70% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% xã triển khai phần mềm quản lý Trạm Y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế. 4) 100% liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tỉnh xuống xã; 100% bệnh án điện tử cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh; 50% bệnh án điện tử cho các cơ sở y tế tuyến huyện; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh các bệnh viện hạng 1 là mức 6; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh các bệnh viện hạng 2 là mức 5; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh các bệnh viện hạng 3 là mức 4;….

Thông qua nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động, thời gian qua ngành Y tế của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, chất lượng phòng và khám chữa bệnh nâng lên rõ rệt, hạn chế chuyển tuyến, chuyển viện; tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân trong và ngoài tỉnh, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tại tỉnh Sóc Trăng./.

Phương Tâm, Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng
Đến tháng 7
tỉnh Sóc trăng đã giải quyết

hồ sơ đúng hạn
Đã tiếp nhận:
Đã giải quyết:
Tự động cập nhật vào lúc:
CHUYÊN MỤC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
LIÊN KẾT WEB