Những năm qua, Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã chủ động ứng dụng các giải pháp số trong quản lý điều hành, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và quản trị nông thôn. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành các hoạt động của Ngành, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ứng dụng cơ sở dữ liệu và phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, chuyên môn trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số hóa, nhằm phục vụ quá trình chuyển đổi số của Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn ứng dụng công nghệ số vào tổ chức, chủ trì các Hội nghị trực tuyến của Ngành nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Qua đó công tác quản lý, điều hành việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, kịp thời và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, công nghệ số còn được ứng dụng vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Lĩnh vực trồng trọt đã ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Một số địa phương như huyện Châu Thành, Thạnh Trị … đã thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân. Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học ở một số trang trại đã được thí điểm ở huyện Châu Thành. Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. Trong thủy sản, ứng dụng công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Thành công nhất của Ngành trong thời gian qua là đã xây dựng 13 trạm quan trắc môi trường nhằm theo dõi các chỉ tiêu môi trường phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Xây dựng được 07 bẫy đèn để dự báo mật độ rầy nâu hại lúa, đồng thời cũng là một dụng cụ khá đơn giản dùng để thu hút, diệt rầy nâu và một số loại sâu hại trưởng thành khác dựa vào đặc tính sinh học (tính hướng sáng) của một số loài côn trùng. Kết nối hơn 60 sản phẩm OCOP trên sàn thương mại postmart.vn; 87 sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.
Bên cạnh đó, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn, nhiều vùng nông thôn đã ứng dụng công nghệ một cách đơn giản, như lắp đặt hệ thống camera an ninh thay cho đội ngũ dân quân tự quản đi tuần, giúp giảm rõ rệt mức độ vi phạm pháp luật. Hệ thống loa truyền thanh thông minh cũng đã thay thế, khắc phục những nhược điểm của truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (không dây) FM. Một số xã nông thôn mới tiêu biểu đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát điều hành việc công...
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp nông thôn của tỉnh nhà chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số. Phần lớn các ứng dụng công nghệ thông tin được trang bị hiện nay chưa thể phát huy tác dụng của nó, chưa đáp ứng theo yêu cầu của chuyển đổi số, cụ thể là: thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logicstic, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử, …. Các kết quả ban đầu còn cách xa mục tiêu của nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Hay nói cách khác, kết quả chuyển đổi số đòi hỏi sự kết hợp các cảm biến, robot, GPS, công cụ lập bản đồ và phần mềm phân tích dữ liệu để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Dẫn chứng cụ thể như các trạm quan trắc môi trường, hoặc các bẫy đèn vẫn chưa xây dựng “App” để phục vụ rộng rãi cho người dân, chủ yếu là phục vụ cho các bộ làm công tác quản lý Nhà nước để quản lý, theo dõi, và báo cáo
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27/10/2021 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt hàng với Công ty Viễn thông Sóc Trăng (VNPT) xây dựng Đề án chuyển đổi số nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, để tích hợp vào Đề án chung của tỉnh Sóc Trăng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó, tập trung là xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tổng thể về lĩnh vực nông nghiệp và chạy bản Demo gồm 08 trường dữ liệu thông tin (Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Thủy sản, Phát triển nông thôn, Thủy lợi, Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp, Lâm nghiệp, Chất lượng nông lâm sản và thủy sản). Trước mắt, trong năm 2022, ưu tiên triển khai trên lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, dự kiến sẽ có 8 trường dữ liệu bao gồm: Quản lý tình hình sản xuất trên các loại cây trồng, Quản lý dịch hại, Quản lý phân bón, Quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh, Quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Liên kết sản xuất,…Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đang hoàn chỉnh phiếu điều tra để tiến hành điều tra thu thập số liệu nền khi có kinh phí thực hiện. Được biết, sau năm 2022, khi Đề án được duyệt sẽ tiếp tục thực hiện các lĩnh vực tiếp theo.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển chia sẽ “Muốn chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công cần tạo ra sự chuyển đổi đồng bộ của 2 trụ cột là cộng đồng nông thôn số và chính quyền nông thôn số các cấp”. Trước hết, chính quyền nông thôn các cấp và người dân nêu cao nhận thức vai trò, trách nhiệm và thay đổi tư duy trong chuyển đổi số. Mỗi người dân, gia đình nông thôn có trách nhiệm trang bị cho mình thiết bị di động tham gia chuyển đổi số như điện thoại thông minh, kết nối internet cáp quang tốc độ cao... Chính quyền nông thôn các cấp có hai trọng trách: 1) Đi đầu chuyển đổi số để trở thành chính quyền số, khẩn trương thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi công việc và cung cấp dịch vụ mới cho người dân; 2) Dẫn dắt chuyển đổi số ở nông thôn, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy chuyển đổi số cho người dân; chăm lo xây dựng hạ tầng số, thu hút doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số ở địa phương…
Mô hình tưới phun tích hợp bón phân phun thuốc và điều khiển hệ thống tưới qua sim điện thoại