Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và cả hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, Thị ủy, UBND thị xã Ngã Năm có nhiều quyết tâm trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, UBND thị xã ban hành các kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng, xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức đến cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về tính tất yếu khách quan và tính cấp thiết của chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước chuyển đổi nhận thức, hình thành tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước và nâng cao chất lượng cải cách hành chính trên địa bàn thị xã trong giai đoạn phát triển mới.
Qua thời gian tích cực triển khai thực hiện đến nay, công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn thị xã Ngã Năm đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan ban, phòng ngành thị xã và xã, phường được trang bị đầy đủ, có kết nối mạng nội bộ và kết nối internet; hệ thống cáp quan và trạm thu phát sóng thông tin di động được triển khai rộng khắp hầu hết các xã, phường; trên 90% hồ sơ công việc của ban, phòng ngành thị xã và trên 60% hồ sơ công việc của xã, phường được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm các hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% báo cáo định kỳ của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, thực hiện trên Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ và thu thập, tích hợp vào kho lưu trữ dùng chung của tỉnh; trên 85% dịch vụ công trực tuyến của thị xã và trên 65% dịch vụ công trực tuyến của xã, phường được triển khai ở mức độ 3 và 4, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ hành chính, tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt trên 98%; góp phần nâng chỉ số, điểm số cải hành chính của thị xã Ngã Năm trong những năm qua.
Mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực bước đầu, tuy nhiên nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về chuyển đổi số chưa đầy đủ; chưa quyết tâm trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho đơn vị mình. Một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đổi mới và đồng hành cùng cơ quan nhà nước trong ứng dụng các nền tảng số để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thị xã Ngã Năm tiếp tục triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính trên địa bàn thị xã; trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thị xã trong việc tham mưu thực hiện Kế hoạch đề ra; quy định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị mình; tăng cường năng lực cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị để đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn thị xã.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của từng cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động đời sống, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ và quản lý nhà nước. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chính quyền điện tử, chuyển đổi số với nghị quyết, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Xây dựng các kênh tương tác trực tuyến với người dân, doanh nghiệp trên hệ thống Cổng thông tin điện tử và các mạng xã hội phổ biến. Khuyến khích, tạo điều kiện tham gia chuyển đổi số của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn thị xã.
Thứ ba, phối hợp các Sở, ngành chuyên môn tỉnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin dữ liệu, các ứng dụng dùng chung, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử tạo nền tảng phát triển Chính quyền số. Đồng thời kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm khai thác tối đa chức năng của Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành trong các hoạt động công vụ; tăng cường sử dụng các văn bản điện tử, ứng dụng hệ thống thông tin báo cáo, hộp thư điện tử công vụ để hoàn thiện hệ thống ứng dụng dùng chung của tỉnh.
Thứ tư, tiếp tục rà soát cải tiến quy trình công việc, thủ tục và chuẩn hoá nghiệp vụ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả; đẩy mạnh tiến trình số hóa giấy tờ trong các cơ quan nhà nước; cùng với việc kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, các cơ sở dữ liệu quốc gia để nâng cao số lượng, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số là con đường tất yếu để nâng cao chất lượng cải cách hành chính, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử tạo nền tảng phát triển chính quyền số; cùng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở và sự đồng thuận, chung tay hưởng ứng tham gia của người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.