Tham dự Hội thảo có Bà Nguyễn Thị Liễu - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp; ông Dương Văn Nhân - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Trung tá Trần Văn Bình – Giám đốc Viettel Sóc Trăng; đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê tỉnh; Chi cục Hải quan Sóc Trăng; cùng đại diện lãnh đạo doanh nghiệp và một số nhân viên phụ trách kế toán, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Văn Nhân - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, khách quan trong thời đại ngày nay, là cơ hội cho các nước, các doanh nghiệp vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước thực tiễn trên, tỉnh Sóc Trăng cũng ban hành các chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị và cả trong cộng đồng thông qua Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 06/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 20/4/2023 về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng năm 2023. Trong đó chuyển đổi số trong doanh nghiệp là rất cần thiết để tối ưu hoá sản xuất, mở rộng thị trường và tạo ra nhiều giá trị mới, tăng trưởng nhanh trong sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Ông Dương Văn Nhân - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Viettel Sóc Trăng – Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội cho biết, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu giúp thay đổi mô hình kinh doanh, tăng trải nghiệm khách hàng và tăng hiệu quả vận hành. Những công nghệ cốt lõi giúp chuyển đổi số gồm: điện toán đám mây; trí tuệ nhân tạo; Big Data và Data Analytics; internet vạn vật; chuỗi khối; tự động hóa quy trình sản xuất bằng robot. Cũng theo Viettel Sóc Trăng, các doanh nghiệp dẫn đầu chuyển đổi số tăng trưởng hơn 2 lần so với doanh nghiệp còn lại. Qua đó, đơn vị cũng chia sẻ những thách thức và cơ hội chuyển đổi số của doanh nghiệp; đồng thời đưa ra các giải pháp chuyển đổi số của Viettel Sóc Trăng như: Viettel Cloud; internet vạn vật; thanh toán điện tử Viettel pay; thương mại điện tử; quảng cáo số. Thông qua Hội thảo, Viettel Sóc Trăng mong muốn mở ra một không gian trao đổi, chia sẻ và trải nghiệm thực tế các giải pháp, nền tảng công nghệ số phục vụ trong hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp An nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các giải pháp, các chuyên gia về công nghệ số để được tư vấn, trải nghiệm và lựa chọn phương pháp, lộ trình cũng như các giải pháp công nghệ số phù hợp nhằm nâng cao năng lực quản lý, tối ưu hoá sản xuất của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Liễu – Phó Trưởng ban BQL các KCN phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Bà Nguyễn Thị Liễu – Phó Trưởng ban BQL các KCN mong muốn rằng sau buổi Hội thảo này, các doanh nghiệp xây dựng, tham gia các nền tảng số kết nối với các doanh nghiệp khu công nghiệp để tìm kiếm và lựa chọn công nghệ, giải pháp phù hợp với đặc thù, yêu cầu của từng ngành, lĩnh vực của mình để đầu tư, ứng dụng đổi mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả. Song song đó, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp truyền thống hướng tới sản phẩm tích hợp số; chuyển đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng số; thay đổi quy trình sản xuất dựa trên dữ liệu số, tự động hóa,… nhằm nâng cao năng lực quản lý, tối ưu hoá sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng.