Ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ). |
Xung quanh vấn đề quan trọng này, Cổng TTĐT Chính phủ đã trao đổi với ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ).
Ông có nhận định, đánh giá thế nào về kết quả Chỉ số SIPAS 2020?
Ông Phạm Minh Hùng: Năm 2020 là năm thứ tư Chỉ số SIPAS được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Có 36.630 người dân, tổ chức từ tất cả các địa phương ở các vùng miền khác nhau, có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội khác nhau trong cả nước đã được chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng để đánh giá 16 nhóm dịch vụ công thuộc 08 nhóm lĩnh vực, 03 cấp hành chính ở địa phương mà bản thân người dân, tổ chức đã trực tiếp trải nghiệm. Kết quả là 35.268 phiếu điều tra thu về hợp lệ, được sử dụng để tổng hợp, phân tích thông tin, xây dựng các chỉ số.
Vậy những kết quả quan trọng, vấn đề cần quan tâm của SIPAS 2020 là gì, thưa ông?
Ông Phạm Minh Hùng: Năm 2020, có 85,48% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung. Tuy nhiên, các yếu tố của quá trình cung ứng và kết quả dịch vụ công nhận được mức độ hài lòng khác nhau, trong đó yếu tố kết quả dịch vụ nhận được tỷ lệ hài lòng cao nhất (89,73%), tiếp đến là thủ tục hành chính (88,45%), tiếp cận dịch vụ (87,41%), công chức (86,53%) và cuối cùng là việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị (73,76%).
Tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với 3 cấp hành chính nằm trong khoảng 85,43-88,18%, trong đó cấp xã có tỷ lệ hài lòng cao nhất và cấp tỉnh thấp nhất. Đối với 8 nhóm lĩnh vực, tỷ lệ hài lòng nằm trong khoảng 83,20-89,88%, trong đó lĩnh vực giao thông vận tải được đánh giá cao nhất và lĩnh vực đất đai, môi trường thấp nhất.
Chỉ số SIPAS năm 2020 chỉ ra 63/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần, 62/63 tỉnh xảy ra việc cơ quan trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; 62 tỉnh trễ hẹn trả kết quả đều không thực hiện nghiêm quy định về thông báo, xin lỗi về việc trễ hẹn đối với người dân; 62/63 tỉnh có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 46/63 tỉnh có công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí. Mặc dù các chỉ số phản ánh những vấn đề trên ở mức thấp nhưng lại xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đây là một điều đáng quan tâm.
Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối với Chỉ số SIPAS trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Phạm Minh Hùng: Trước hết, SIPAS là một kênh thông tin quan trọng đánh giá kết quả thực thi công vụ, nỗ lực CCHC của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nhận thức đầy đủ và hình thành văn hóa phục vụ, lấy người dân, tổ chức làm trung tâm. Sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Người dân, tổ chức cần được nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm trong giám sát, phản hồi ý kiến đối với cơ quan hành chính nhà nước; tích cực cung cấp thông tin khách quan, đầy đủ.
Việc áp dụng Chỉ số CCHC (Par Index) có ý nghĩa như thế nào đối với các bộ, ngành, địa phương thời gian qua, thưa ông?
Ông Phạm Minh Hùng: Trong 9 năm vừa qua, Chỉ số CCHC luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 của các bộ, cơ quan và địa phương.
Thông qua Chỉ số CCHC, cung cấp cho Chính phủ bức tranh sinh động, toàn diện về thực trạng CCHC trên phạm vi cả nước trong năm đánh giá; chỉ rõ những kết quả nổi bật và các hạn chế, yếu kém trong từng nội dung CCHC cụ thể. Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng ban hành và chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC hàng năm. Đối với các bộ, ngành, địa phương, Chỉ số không chỉ phản ánh chính xác thực trạng CCHC mà còn xác định vị trí đơn vị, cơ quan mình đang ở đâu trên bảng xếp hạng của cả nước.
Kết quả của từng tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Chỉ số CCHC, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo các bộ, tỉnh dễ dàng “truy” được trách nhiệm của từng tổ chức, thậm chí đến từng cá nhân trong triển khai từng nhiệm vụ CCHC. Từ đó là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, Chỉ số CCHC cũng là công cụ có sự tác động nhất định đến nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của lãnh đạo các ngành, các cấp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC; tạo áp lực đáng kể đối với cơ quan quản lý các cấp, nhưng cũng mang đến những động lực, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách, tạo ra sự khác biệt giữa các bộ và giữa các địa phương về CCHC. Đáng chú ý là từ hiệu quả áp dụng công cụ Chỉ số này, một số bộ và 63/63 địa phương đã ban hành, áp dụng Bộ chỉ số riêng để đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC hàng năm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, tạo thành hệ thống theo dõi, đánh giá CCHC một cách đồng bộ, chặt chẽ; giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Việc áp dụng Chỉ số CCHC đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thúc đẩy thay đổi hành động của đội ngũ lãnh đạo, công chức của các cơ quan từ Trung ương đến cấp xã về CCHC; qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao hình ảnh của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, hướng đến xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Đâu là những điểm đáng chú ý rút ra từ kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 của các bộ ngành, địa phương?
Ông Phạm Minh Hùng: Kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 cho ta thấy những chuyển biến tích cực trên nhiều khía cạnh.
Công tác CCHC nhận được sự quan tâm ngày càng cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thường xuyên và rất cụ thể đối với từng lĩnh vực cải cách. Lãnh đạo Chính phủ khi làm việc với các bộ, địa phương, đều có những nội dung chỉ đạo, yêu cầu làm tốt công tác CCHC trên các lĩnh vực cụ thể.
Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã tích cực nghiên cứu, đánh giá và áp dụng, nhân rộng nhiều mô hình, sáng kiến hay về CCHC. Các hoạt động truyền thông về CCHC ngày càng đa dạng, phong phú và thiết thực, tận dụng tối đa tiện ích của các mạng xã hội để truyền tải kịp thời, nhanh chóng những kết quả, chính sách mới về CCHC đến người dân, doanh nghiệp và xã hội. Cùng với đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên đề về CCHC có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức tổ chức thực hiện để phù hợp với tình hình mới. Việc tăng cường áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước đã có những đóng góp quan trọng vào kết quả CCHC năm 2020 tại các bộ, cơ quan, địa phương, giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình và chất lượng phục vụ nhân dân…
Tuy nhiên, thông qua kết quả, công tác CCHC tại bộ, tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập cần phải có giải pháp khắc phục như tình trạng hoàn thành muộn hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng giao. Cải cách thể chế ở các bộ vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như không hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt; tình trạng nợ đọng văn bản còn kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm; một số bộ chậm xử lý phản ánh kiến nghị để tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách cho các địa phương.
Còn nhiều bộ, tỉnh chưa thực hiện tốt việc công khai, cập nhật thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công, Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị khi có sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Nhiều nơi vẫn còn công khai các quy định TTHC đã hết hiệu lực thi hành (mẫu đơn, tờ khai).
Qua đánh giá cũng cho thấy tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến vẫn còn thấp; việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích cũng bộc lộ những khó khăn nhất định.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ có giải pháp gì để tham mưu cho Ban chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC của các bộ ngành và địa phương, thưa ông?
Ông Phạm Minh Hùng: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị công bố ngày 24/6, Bộ Nội vụ sẽ đôn đốc, yêu cầu các bộ, tỉnh thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Phó Thủ tướng, khẩn trương tổ chức hội nghị rà soát, phân tích đánh giá kết quả Chỉ số CCHC của đơn vị mình; xác định rõ trách nhiệm; ban hành các biện pháp khắc phục.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan để rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng Đề án xác định Chỉ số CCHC của các bộ, ngành và địa phương phù hợp với Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030. Qua đó, sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, đổi mới thực hiện công tác điều tra xã hội học, chú trọng vào các phương pháp khảo sát trực tuyến trên môi trường mạng, phù hợp với từng đối tượng khảo sát.