08:29 25/10/2024
Sóc Trăng tổ chức họp mặt đối thoại doanh nghiệp lần 2 năm 2024

Với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự gắn bó gần gũi giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng các doanh nghiệp vì nhiệm vụ chung là phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, chiều ngày 10/10/2024, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổ chức Họp mặt - Đối thoại doanh nghiệp lần 2 năm 2024 để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 09 tháng đầu năm 2024, định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm 03 tháng cuối năm; đồng thời lắng nghe phản ánh về những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đến dự buổi họp mặt có các đồng chí: Trần Văn Lâu -  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Văn Hiểu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Nguyễn Thị Huệ Chi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Cùng dự có ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long, đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp và đặc biệt là hơn 130 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã trên đại bàn tỉnh.

Mở đầu buổi họp mặt, ông Ngô Thanh Toàn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin đến cộng đồng các doanh nghiệp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng ước đạt 6,55%, cùng kỳ năm 2023 là 4,99%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,07% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,42%) do các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng trưởng từ 1,77% - 32% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 77.256 tỷ đồng, đạt 85,84% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 17,66% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 1.345 triệu USD, đạt 89,67% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 19,98% so với cùng kỳ…

Trong 9 tháng, UBND tỉnh tổ chức 04 lần họp mặt, gặp gỡ ăn sáng với các doanh nghiệp, ghi nhận 18 ý kiến. Đến nay, đã có 16/18 ý kiến được các sở, ngành, địa phương trả lời, giải quyết cho doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 88,89%. Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ cho 04 trường hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục và triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư dự án theo quy định… Từ đầu năm đến nay, tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 358 doanh nghiệp, tăng 4,7% so cùng kỳ, trong đó có 296 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 6,8%) với tổng vốn đăng ký là 1.743 tỷ đồng (giảm 18,5%); có 62 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 29%). Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 3.871 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 50.524 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(Các đại biểu trao đổi tại buổi họp mặt)

Tại buổi họp mặt, các doanh nghiệp đã bày tỏ sự tin tưởng, đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu và kịp thời giải quyết những vướng mắc đối với doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, địa phương trong thời gian qua; đồng thời thẳng thắn chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất tại tỉnh liên quan đến các chính sách về thuế; cấp mã số vùng nuôi tôm; quy trình thủ tục, thời gian cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất,… Qua đó, các doanh nghiệp đề nghị, trong kêu gọi đầu tư tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các sở ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện; tiếp tục có chính sách hỗ trợ để các hợp tác xã hoạt động hiệu quả ngày càng lớn mạnh; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, ứng dụng tiêu chuẩn ISO trong chế biến, lau bóng gạo xuất khẩu; kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp nước ngoài để trực tiếp xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đi qua các nước lớn trên thế giới…

Chia sẻ tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long cho biết, Sóc Trăng là một trong những địa phương thường xuyên tổ chức họp mặt, đối thoại doanh nghiệp nhất trong những năm gần đây. Điều đó cho thấy lãnh đạo rất quan tâm, đồng hành, chia sẻ và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Ông cũng đánh giá cao sự thẳng thắn chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc đối với tỉnh. Qua đó, ông kiến nghị tỉnh cần tổ chức những chương trình làm việc riêng đối với các doanh nghiệp lớn, dẫn đầu tỉnh trong một số lĩnh vực để định hướng phát triển kinh tế - xã hội; tỉnh cần tổ chức đào tạo nâng cao năng lực phù hợp các cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Đối với doanh nghiệp, ông đề nghị cần phải đào tạo nâng cao trình độ nhất là đối với đội ngũ quản lý doanh nghiệp; Hiệp hội doanh nghiệp cần nhóm họp những doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực để tham gia liên kết hỗ trợ nhau cùng phát triển.

(Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu phát biểu kết thúc buổi họp mặt)

Phát biểu kết thúc buổi họp mặt, ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương nỗ lực của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp ngân sách nhà nước, đồng hành cùng tỉnh trong giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân và tham gia thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Ông cũng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác quản lý, điều hành của tỉnh và những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, đầu tư. Ông nhấn mạnh, nếu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chậm giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời sẽ làm mất đi cơ hội phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị các sở, ban ngành tỉnh, địa phương phải trách nhiệm, quyết liệt, quyết tâm “khó tới đâu gỡ tới đó” trên tinh thần hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị doanh nghiệp quan tâm ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Cần nghiên cứu kỹ quy hoạch chung của tỉnh, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để đề xuất dự án, đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp được thuận lợi... Đặc biệt, ông đề nghị các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất cần: Thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với xã hội, thực hiện tốt chính sách cho người lao động, bảo vệ môi trường, hợp tác phát huy lợi thế của địa phương để hỗ trợ nhau cùng phát triển./.

Huỳnh Tấn Phong, Sở KH & ĐT tỉnh Sóc Trăng
Đến tháng 1
tỉnh Sóc trăng đã giải quyết

hồ sơ đúng hạn
Đã tiếp nhận:
Đã giải quyết:
Tự động cập nhật vào lúc:
CHUYÊN MỤC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
LIÊN KẾT WEB