08:16 04/12/2024
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Chỉ thị chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường vai trò, trách nhiệm trong tham mưu, xử lý công việc

Ngày 29/11/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường vai trò, trách nhiệm trong tham mưu, xử lý công việc.

Nội dung Chỉ thị nêu rõ thời gian qua, mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành và quán triệt thực hiện Quy chế làm việc (ban hành theo Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 25/4/2023 chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các sở ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ nghiêm Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường vai trò, trách nhiệm trong tham mưu xử lý công việc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở ngành, cơ quan, địa phương tổ chức phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, công chức nghiên cứu thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 25/4/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản chỉ đạo có liên quan. Rà soát, kiểm điểm, khắc phục những hạn chế nêu trên. Quá trình tham mưu thời gian tới, cần lưu ý:

a) Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tuân thủ theo Điều 27 Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo tại Công văn số 1526/UBND-TH ngày 15/7/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Hồ sơ trình gồm tờ trình hoặc văn bản, báo cáo kèm theo đề án, dự án, dự thảo văn bản của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (có ký tắt và đóng dấu treo), ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan và các tài liệu cần thiết khác (nếu có). Trong đó, nêu rõ nội dung vấn đề trình, căn cứ về thẩm quyền, cơ sở chính trị (nếu có), cơ sở pháp lý (ghi rõ điều, khoản, điểm), cơ sở thực tiễn (nếu có), ý kiến của các sở, cơ quan, địa phương có liên quan và đề xuất, kiến nghị phương án, biện pháp giải quyết. Khi hồ sơ trình có nêu nhiều phương án xử lý vấn đề, cần đối chiếu, nêu rõ cơ sở pháp lý và phân tích ưu, khuyết điểm, tính khả thi đối với từng phương án; đồng thời đề xuất cụ thể phương án chọn.

b) Thực hiện nghiêm Điều 8 Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Phạm vi, trách nhiệm, cách thức giải quyết công việc và quan hệ công tác của Thủ trưởng sở, ngành”; trong đó:

- Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền nhưng nội dung phức tạp, có tính liên ngành, đã phối hợp xử lý, nhưng vẫn chưa thống nhất được thì Thủ trưởng các sở, ngành phải trực tiếp làm việc với Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan xem xét, quyết định.

- Đối với những đề án trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh mà còn ý kiến khác nhau giữa các sở, ngành về những nội dung chủ yếu của đề án thì Thủ trưởng sở, ngành chủ trì phải trực tiếp làm việc với Thủ trưởng sở, ngành có ý kiến khác và Thủ trưởng sở, ngành có liên quan để trao đổi, thống nhất trước khi trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Trả lời đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo đề nghị của sở, ngành, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan. Khi được mời họp để trao đổi ý kiến, Thủ trưởng sở, ngành dự họp hoặc nếu có lý do chính đáng không dự được thì phải cử người có đủ thẩm quyền họp thay. Ý kiến của người dự họp là ý kiến chính thức của cơ quan.

c) Thực hiện nghiêm Công văn số 1576/UBND-TH ngày 22/6/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Rà soát, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, các công việc và thủ tục cần thiết mà có thời hạn xử lý; trong đó cần tính toán dành thời gian cho các cơ quan thẩm định, thẩm tra hồ sơ trước khi trình đến UBND tỉnh, tránh tình trạng gần đến thời hạn giải quyết mới trình hồ sơ đến Ủy ban nhân dân tỉnh.

d) Khi tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cần nghiên cứu, đối chiếu Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh để xác định rõ nội dung nào thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy; trên cơ sở đó tham mưu chuẩn bị hồ sơ, soạn thảo (và tiếp theo theo dõi, hoàn chỉnh) văn bản của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân để xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền theo đúng Quy chế làm việc.

e) Khi được giao nhiệm vụ làm đầu mối theo dõi một công việc cụ thể: Thủ trưởng Sở ngành, địa phương phải chủ động, tích cực phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện. Các cơ quan có trách nhiệm chủ động thực hiện các công việc theo chức năng, thẩm quyền. Tránh tình trạng cơ quan đầu mối chỉ theo dõi và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo mà chưa làm việc, trao đổi, phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị để né tránh trách nhiệm. Cần xác định rõ danh sách các cơ quan có liên quan theo đúng chức năng, không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc.

g) Khi phát sinh vấn đề vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ, Thủ trưởng Sở ngành phải chủ động trao đổi, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ ngành; tránh tình trạng xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyên môn, nghiệp vụ.

h) Thực hiện nghiêm trách nhiệm được giao tại điểm g Khoản 2 Điều 8 Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ động triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh thuộc thẩm quyền và chức năng được pháp luật quy định. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì đề xuất Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp giải quyết. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật khi để xảy ra trường hợp không kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ở địa phương ban hành văn bản triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới ban hành ở Trung ương.

i) Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Thủ trưởng các sở, ngành chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền của mình và những công việc được phân cấp, ủy quyền, được giao, kể cả khi đã phân công hoặc ủy quyền cho cấp phó; chịu trách nhiệm về ý kiến tham mưu, đề xuất và nội dung các dự thảo văn bản trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành.

2. Giao Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra hồ nếu chưa tuân thủ Quy chế làm việc và yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì có văn bản thông báo ý kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trả lại hồ sơ; đồng thời gửi Sở Nội vụ.

3. Giao Giám đốc Sở Nội vụ theo dõi việc chấp hành và trách nhiệm của Thủ trưởng các Sở ngành, cơ quan địa phương trong quá trình tham mưu xử lý công việc theo Chỉ thị này; tổng hợp, đề xuất trong quá trình xem xét, đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức hàng năm và đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm (nếu có)./.

Kim Hằng
File đính kèm:
Đến tháng 1
tỉnh Sóc trăng đã giải quyết

hồ sơ đúng hạn
Đã tiếp nhận:
Đã giải quyết:
Tự động cập nhật vào lúc:
CHUYÊN MỤC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
LIÊN KẾT WEB