Ngày 24/3/2025 BHXH tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về đẩy mạnh CCHC tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nội dung sơ kết được lồng ghép tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phát triển người tham gia và giảm tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp năm 2025 của đơn vị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH tỉnh có các Phó Giám đốc BHXH tỉnh, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ; Tại điểm cầu các huyện, thị xã có Giám đốc và viên chức phụ trách công tác CCHC của đơn vị.
Tại Hội nghị, Ông Lâm Thanh Thiên, Phó Giám đốc quản lý điều hành BHXH tỉnh đã đánh giá những kết quả đã đạt được và những vấn đề còn hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU từ đó đề ra giải pháp tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ TRONG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Sau ba năm triển khai, công tác CCHC của BHXH tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được cải tiến mạnh mẽ, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh cũng như tại các huyện đã cải tiến phương thức làm việc theo hướng lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo công khai, minh bạch. Tính đến ngày 24/2/2025 số hồ sơ nhận qua dịch vụ bưu chính: 2.433 hồ sơ, Số hồ sơ trả qua dịch vụ bưu chính: 109.303 hồ sơ.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý hành chính có bước phát triển rõ rệt. Hiện nay, BHXH tỉnh đang vận hành hơn 20 phần mềm chuyên dụng do BHXH Việt Nam chuyển giao, giúp tối ưu hóa quy trình làm việc. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các giao dịch mà không cần trực tiếp đến cơ quan BHXH, qua đó tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Tính đến ngày 14/03/2025, toàn tỉnh có 2.757/2.805 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử (đạt 98,29%).
Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đẩy mạnh. Trong năm 2024, đã có 429 lượt viên chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, quản lý nhà nước và kỹ năng phục vụ nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát cũng được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ.
NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai CCHC vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Hệ thống phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ đôi lúc gặp lỗi kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Hạ tầng công nghệ thông tin đôi khi chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến gián đoạn trong việc theo dõi và giải quyết hồ sơ.
Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp (58,90%) do nhiều người chưa quen với giao dịch điện tử hoặc chưa có đủ điều kiện tiếp cận công nghệ.
HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, công tác CCHC của BHXH tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo và kiên trì thực hiện các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ, hoàn thiện các phần mềm quản lý để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn; Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, đạo đức công vụ, đồng thời bồi dưỡng kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống để nâng cao chất lượng phục vụ. Song song đó đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị thêm các thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác CCHC. Tăng cường giám sát, lấy ý kiến phản hồi từ người dân, xây dựng cơ chế tiếp nhận ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân để kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Có thể nói, CCHC không chỉ là nhiệm vụ mà còn là động lực thúc đẩy phát triển. Khi công tác này được thực hiện hiệu quả, không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh Sóc Trăng, hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn./.