Năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng trải qua nhiều khó khăn khi khí hậu biến đổi bất thường; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, đặc biệt bệnh dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hoá nông sản. Nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và sự linh hoạt trong triển khai các giải pháp thích ứng với thực tiễn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là đã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nên các chỉ tiêu về nông nghiệp của tỉnh nhà đều đạt và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và áp dụng mức độ bắt buộc theo cấp độ dịch, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ bố trí 30-50% công chức làm việc tại cơ quan; các cuộc họp, hội nghị được chuyển sang hình thức họp trực tuyến. Công chức, viên chức của ngành tăng cường ứng dụng tốt phần mềm Hệ thống Quản lý văn bản điều hành; thư điện tử công vụ; group zalo… đảm bảo các nhiệm vụ thông suốt, hiệu quả, không có nhiệm vụ nào bị bỏ sót, tồn đọng. Năm 2021, trên hệ thống Quản lý văn bản điều hành, các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận 54.984 văn bản đến; phát hành 12.472 văn bản đi, trong đó, có ký số 11.697 văn bản đi (chiếm 93,8%); sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc đạt trên 98%. Đặc biệt, trong năm đã cập nhật kịp thời 100% thủ tục hành chính lên chương trình Một cửa điện tử, xử lý hồ sơ điện tử đúng quy trình, đảm bảo thời gian khi tiếp nhận và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân; trong đó đã công bố và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 75/103 (72,82% ) thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4.
Ứng dụng công nghệ thông tin cũng đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp, kéo dài. Ngành nông nghiệp đã linh hoạt, sáng tạo, kịp thời xúc tiến thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online; kịp thời kết nối giữa các hợp tác xã có vùng nguyên liệu và các đơn vị tiêu thụ có nhu cầu trên group Zalo, mạng xã hội, đặc biệt là kết nối với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Qua đó, cơ bản đã giúp bà con tiêu thụ hết sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể là 100% sản lượng tôm nuôi nước lợ được các nhà máy trong tỉnh thu mua, không có sản lượng tồn đọng; có gần 62.000ha, tăng 68% diện tích lúa đã được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ gần 1.500 tấn cây ăn trái, tăng 63% cùng kỳ, đặc biệt là đã xuất khẩu được 213 tấn. Tiêu thụ online gần 11 tấn nhãn; 15.000 phần combo gồm gạo, lạp xưởng và các sản phẩm thiết yếu trên sàn postmart.vn; 200.000 lốc sữa Ever milk của HTX Nông nghiệp EverGrowth.... Kết nối được 60 cơ sở vựa tham gia là đầu mối tiêu thụ; đăng tải hơn 100 thông tin nông sản cần bán lên trang website htx.cooplink.vn; giới thiệu được trên 22 cuộc giao dịch trên 30 loại nông sản ...
Theo báo cáo tổng kết năm 2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở, đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng tăng trưởng năm 2021 của ngành Nông nghiệp đạt 0,22% và đóng góp 44,65% (tương đương khoảng 25.416 tỷ đồng) vào mức tăng chung của tỉnh. Các chỉ tiêu về sản xuất của ngành Nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào. Cụ thể, sản lượng lúa đạt khoảng sản lượng đạt 2,06 triệu tấn, tăng 18% cùng kỳ, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao 1,53 triệu tấn, chiếm 53,40%, vượt 0,40% chỉ tiêu Nghị quyết; sản lượng đàn gia súc xuất chuồng đạt 31.305 tấn, tăng 11,5% cùng kỳ; gia cầm xuất chuồng đạt 25.860 tấn, tăng 8,1% cùng kỳ; sản lượng tôm nước lợ đạt 183.200 tấn, tăng 17,8% cùng kỳ; sản lượng khai thác 67.825 tấn, tăng 1,25% cùng kỳ. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản không chỉ tăng cả về số lượng mà còn tăng về giá trị xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 1.200 triệu USD, tăng 7,62% so với năm 2020 (trong đó thủy sản 940 triệu USD, gạo 200 triệu USD, rau quả 08 triệu USD).
Trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid -19, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong nông nghiệp đã minh chứng được hiệu quả, góp phần cho ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu vượt bậc, duy trì được vai trò là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh nhà; từng bước thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng tập trung thực hiện chuyển đổi số đưa sản phẩm chủ lực của tỉnh (tôm nước lợ, cây ăn trái, lúa, hành tím …) và các sản phẩm nông nghiệp khác lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, ngành sẽ phát triển các ứng dụng công nghệ tự động trong sản xuất, đóng gói sản phẩm và tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo chất lượng sản phẩm và tính chuyên nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của Sóc Trăng đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước./.