Cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, đặc biệt là trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, cần nhiều hơn nữa sự phối hợp giữa chính quyền với Nhân dân, giữa chính quyền với các doanh nghiệp. Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011 – 2020), bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác cải cách hành chính – thông qua các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Giai đoạn 2021 – 2025, xác định cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngày 30/5/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ký Quyết định 1417/QĐ-UBND và Quyết định 1418/QĐ-UBND ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã, huyện áp dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, các nội dung về cải cách hành chính là một trong những tiêu chí, chỉ tiêu để đánh giá xét công nhận xã – huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể, để đạt chuẩn xã nông thôn mới, các xã cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã (chỉ tiêu 18.1), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành (chỉ tiêu 8.4) góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước cấp xã, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức. Đối với xã nông thôn mới nâng cao, bên cạnh việc nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, các xã phải có điểm phục vụ bưu chính đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân (chỉ tiêu 8.1), ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới (chỉ tiêu 8.4), trong giải quyết thủ tục hành chính (chỉ tiêu 15.1), xã phải có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên và giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra khiếu nại vượt cấp (chỉ tiêu 15.2 và 15.3). Bộ tiêu chí cũng quy định huyện nông thôn mới phải có dịch vụ công trực tuyến đạt ít nhất là mức độ 3, huyện nông thôn mới nâng cao phải có dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4. Ngoài ra một số chỉ tiêu khác có liên quan, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực như thiết lập hệ thống mạng wifi miễn phí ở các điểm công cộng, ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực, trong khám chữa bệnh, …
Để thực hiện các nội dung này, các địa phương cần xác định công tác cải cách hành chính là khâu then chốt, không ngừng nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, nắm vững mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cải cách hành chính. Xây dựng kế hoạch, thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính gắn liền với việc xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong cải cách hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Thường xuyên rà soát, cập nhật, niêm yết công khai thủ tục hành chính theo đúng quy định, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, nâng cao chất lượng các dịch vụ công, sắp xếp cán bộ công chức phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn trong thực hiện cải cách hành chính. Thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của Nhân dân về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nhằm phát huy sức mạnh tập thể trong nâng cao chất lượng cải cách hành chính, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại.
Ảnh. Bộ phận một cửa trên địa bàn xã nông thôn mới An Mỹ, huyện Kế Sách