Theo đó, Sở GDĐT đề nghị Trưởng phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng các trường THPT và đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện các nội dung sau:
1. Tiếp tục giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo đảm khuôn viên trường, lớp học xanh, sạch, đẹp, thoáng mát. Các công trình kiến trúc phục vụ hoạt động dạy và học phải được bố trí ngăn nắp, khoa học và hiện đại. Tăng cường trồng cây xanh tạo bóng mát; tạo nhiều mảng xanh trong sân trường; trang trí hoa kiểng tại các nơi sinh hoạt, phòng làm việc và lớp học. Bảo quản khai thác sử dụng hiệu quả các khối công trình như phòng học, khu hiệu bộ, phòng bộ môn, nhà đa năng, …; tiếp tục giữ gìn vệ sinh tại các nhà vệ sinh, đảm bảo nước sạch phục vụ sinh hoạt cho học sinh.
Ảnh: Trường Thực hành Sư phạm
2. Quản lý chặt thời gian học tập và sinh hoạt của học sinh, không để học sinh bỏ giờ, bỏ tiết, la cà tụ tập bên ngoài nhà trường. Phối hợp với địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn bên ngoài nhà trường; không để kẻ xấu có cơ hội lôi kéo, dụ dỗ học sinh mắc phải các thói hư tật xấu hoặc mắc các tệ nạn xã hội. Giáo dục học sinh chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ, tham gia giao thông an toàn, văn minh. Thường xuyên quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; phân công giáo viên làm công tác tư vấn học đường; kịp thời nắm bắt tư tưởng, diễn biến tâm lý của học sinh; có biện pháp ngăn chặn hiệu quả đối với bạo lực trong thanh thiếu niên.
3. Thủ trưởng đơn vị tiếp tục triển khai, quán triệt đến toàn thể viên chức thực hiện nghiêm việc dạy thêm, học thêm được quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Căn cứ vào nguyện vọng của học sinh, hiệu trưởng có thể tổ chức cho giáo viên dạy thêm trong nhà trường theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. (Giáo viên không được tổ chức dạy thêm bên ngoài nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào). Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho giáo viên và cha mẹ học sinh nắm các văn bản quy định liên quan đến việc dạy thêm, học thêm để hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc dạy thêm, học thêm tạo sự đồng thuận cao. Trưởng phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công quản lý, kiểm tra thực hiện việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thuộc thẩm quyền quản lý. Tích cực tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định, đặc biệt là ở cấp học mầm non và tiểu học, trung học cơ sở.
4. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện công khai chi tiết các khoản thu, chi trong nhà trường theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TTBGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Công văn số 1778/SGDĐT-KHTC ngày 04/8/2017 của Sở GDĐT tỉnh Sóc Trăng. Các khoản thu được phép (nếu có) phải đúng với quy định của pháp luật, thu chi đúng mục đích và phải được phản ánh qua sổ sách kế toán, quyết toán hàng năm theo quy định hiện hành.
Không lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp trái với quy định của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Đối với các khoản thu từ tài trợ, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Công văn số 2374/SGDĐT-KHTC ngày 22/10/2018 của Sở GDĐT về việc hướng dẫn quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục.