Đưa công tác truyền thông đến với mọi tầng lớp Nhân dân
Ông Châu Giang Sơn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh Sóc Trăng cho biết, cùng với việc quán triệt sâu sắc các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 96/NQ-BCS, BHXH tỉnh luôn xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, hướng đến mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân. Bám sát tinh thần Nghị quyết số 96/NQ-BCS, BHXH tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp các ngành xem công tác truyền thông về BHXH, BHYT là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị và phải được tiến hành một cách chủ động, tích cực, thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, làm tốt công tác truyền thông sẽ góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT. Đây chính là cơ sở để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đã đề ra trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Sơn, giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 96/NQ-BCS, hình thức truyền thông trực tiếp còn nhiều hạn chế. Theo đó, hình thức chủ yếu là phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan, theo tính chất từng giai đoạn, không liên tục và chủ yếu mang tính chất phổ biến nội dung cơ bản về chính sách, chứ chưa thật sự tuyên truyền sâu rộng, bám sát đến từng nhóm người tiềm năng. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết số 96/NQ-BCS ra đời, nội dung và hình thức tuyên truyền đã có nhiều thay đổi với nội dung truyền thông ngắn gọn, súc tích (xây dựng các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ) như pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp. Bên cạnh nội dung phổ biến kiến thức pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã đã tăng cường đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn, các quyền lợi của chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường truyền thông về gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích, những nội dung cải cách của chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); truyền thông chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN để các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân thấy rõ vai trò trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời qua truyền thông kịp thời định hướng dư luận khi có thông tin xấu, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Ngành hoặc nắm được thông tin phản hồi để kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó truyền thông quảng bá vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, các hoạt động thông tin đối ngoại của Ngành BHXH Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Ngành, đưa hình ảnh của Ngành đến gần hơn với mọi người.
Ra quân tuyên truyền, vậm động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
Ngoài ra, BHXH tỉnh còn chú trọng nội dung truyền thông theo từng nhóm đối tượng như: truyền thông đối với người lao động trong các doanh nghiệp, người đồng bào dân tộc thiểu số; truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh, sinh viên, BHYT cho hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; truyền thông xây dựng, phát triển bền vững quỹ BHXH, BHYT. Có thể nói kể từ sau khi có Nghị quyết số 96/NQ-BCS, nội dung truyền thông đã được chú trọng với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đa dạng nhiều hình thức truyền thông mới
Từ năm 2018 đến nay, BHXH tỉnh và BHXH các huyện cũng đã chủ động phối hợp thường xuyên với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức dịch vụ thu… tổ chức truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại địa phương theo nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm người tham gia như: hội nghị tập huấn, tư vấn, tọa đàm, đối thoại trực tiếp, thăm hộ gia đình, ra quân, hội nghị khách hàng, tuyên truyền lưu động… cho hội viên, người lao động và người dân trong toàn tỉnh. Trong tất cả các hình thức truyền thông thì hình thức truyền thông nhóm nhỏ, đối thoại trực tiếp được xem là hiệu quả nhất đối với công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thông qua đó đã giúp người dân, người lao động được truyền thông rõ hơn, sâu hơn và được hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục, quyền lợi được hưởng…, đồng thời BHXH tỉnh, huyện cũng được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của người dân, người lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, kịp thời tư vấn, giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, giúp người dân, người lao động hiểu rõ hơn về những quyền lợi, tính nhân văn, ưu việt mà chính sách BHXH, BHYT mang lại, từ đó đồng thuận và tự giác tham gia. Đây cũng là một hình thức được áp dụng khá hiệu quả khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể tập trung đông người thì hình thức này được BHXH toàn tỉnh áp dụng thường xuyên để đảm bảo an toàn trong công tác truyền thông.
Ngoài việc phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền BHXH, BHYT trên các sản phẩm báo hình, báo nói, từ năm 2021 đến nay, BHXH tỉnh Sóc Trăng đã từng bước đổi mới hình thức truyền thông phù hợp với xu thế phát triển thông qua việc thành lập trang Fanpage BHXH tỉnh Sóc Trăng trên mạng xã hội Facebook và 01 trang thông tin BHXH tỉnh Sóc Trăng trên mạng xã hội Zalo. Bên cạnh đó 11/11 BHXH huyện, thị xã đều có trang Fanpage với gần 2.000 lượt đăng tải tin bài. Đồng thời, viên chức và người lao động toàn hệ thống tích cực sử dụng tài khoản cá nhân (Facebook, Zalo…) với trên 7.000 lượt đăng tải, chia sẻ các ấn phẩm truyền thông về BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng chủ động áp dụng các phương pháp truyền thông hiện đại thông qua các sản phẩm truyền thông mới như: Infographic, Motion graphics, trailer, video ngắn… với thông điệp ngắn gọn, hình ảnh sinh động nhằm chuyển tải nội dung chính sách BHXH, BHYT đến với mọi tầng lớp Nhân dân một cách sinh động, gần gũi.
Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng triển khai linh hoạt nhiều hình thức truyền thông như: phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 10 đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong toàn tỉnh, qua đó đã phát triển được 21.492 người tham gia BHXH tự nguyện, 157.850 người tham gia BHYT hộ gia đình; tăng cường truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở đến tận khóm, ấp, các khu dân cư về chính sách BHYT, BHXH với hơn 13.000 lượt phát thanh bằng nhiều thứ tiếng Kinh, Hoa, Khmer; xây dựng gian hàng trưng bày triển lãm, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT đến người dân, người lao động nhân dịp “Tết Quân - dân” , “Tết Công nhân”, “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Sóc Trăng”; tổ chức chương trình phát triển người tham gia BHYT thông qua hình thức thăm hộ gia đình, tư vấn, cấp phát thẻ BHYT lưu động... giúp cho hội viên, người dân và người lao động nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò của chính sách BHXH, BHYT, từ đó có sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng, tham gia.
Tổ chức gian hàng trưng bày triển lãm, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT đến người dân, người lao động nhân dịp “Tết Công nhân” 2020
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông
Ông Đàm Lực Sĩ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng nhận định, trong những năm qua, công tác truyền thông của BHXH tỉnh đã có những đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Từ hình thức đơn giản chỉ là phổ biến, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-BCS, công tác tuyên truyền đã được quan tâm chú trọng, có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, giúp Nhân dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia BHXH, BHYT. Qua đó, số người tham gia BHXH, BHYT tăng theo từng năm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân và người lao động. Tuy nhiên để có thể thay đổi nhận thức của người dân một cách toàn diện từ nhận thức đến hành động thì công tác tuyên truyền cần tiếp tục được quan tâm, chú trọng hơn nữa và phải xác định đây là cả một quá trình lâu dài và vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do đó thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan trong việc truyền thông chính sách BHXH, BHYT, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Hàng năm chú trọng xây dựng Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông ngay từ đầu năm để chỉ đạo các đơn vị tổ chức, triển khai, thực hiện. Tiếp tục đổi mới nội dung truyền thông, đa dạng hình thức truyền thông hướng tới sự phù hợp với đặc thù của của các nhóm dân cư trên địa bàn. Đặc biệt phải xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền, hệ thống nhân viên của các tổ chức dịch vụ thu có đầy đủ các kỹ năng truyền đạt, am hiểu tâm lý, phong tục tập quán của từng nhóm người tiềm năng... Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông xuống tận cơ sở thông qua việc tổ chức Hội nghị khách hàng, đối thoại trực tiếp; góp phần làm chuyển biến về nhận thức và nâng cao được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT của đơn vị sử dụng lao động, người lao động và Nhân dân.