Năm 2022, huyện Trần Đề được tỉnh chọn là huyện điểm trong thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, huyện đã triển khai đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong quá trình triển khai thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số huyện đã tập trung một số lĩnh vực như: cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền số. Tập trung chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới công nghệ thông tin từ huyện tới các xã, thị trấn; đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhanh chóng và kịp thời, huyện cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử của huyện đã tích hợp phần mềm một cửa điện tử để tạo môi trường giao tiếp công khai minh bạch giữa hoạt động của các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật và cung cấp đầy đủ các thông tin về kinh tế - xã hội; các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo huyện, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phục vụ người dân và doanh nghiệp… Việc công khai thông tin chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước trên Cổng thông tin điện tử của huyện luôn thu hút được sự quan tâm của người dân, số lượt truy cập hằng ngày có trên 350 lượt.
Đến nay, việc cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số của huyện bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực: Cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 đạt 242 thủ tục hành chính (mức độ 3: 96 TTHC; mức độ 4: 146 TTHC). Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn 12.949/13.031 đạt 99,37%.
Về hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm quản lý, dữ liệu chuyên ngành, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của cơ quan, đơn vị: Hệ thống hội nghị, họp trực tuyến tại điểm cầu cấp huyện đến 11 điểm cầu các xã, thị trấn đảm bảo thông suốt, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, tạo môi trường hội họp hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm. Nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu của huyện kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia hoạt động ổn định, đảm bảo việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử có 85.025 văn bản đi, đến (77.309 văn bản đến, 7.716 văn bản đi), 5.243 văn bản được ký số; đã ứng dụng nhiều phần mềm chuyên ngành phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính như: MISA, quản lý tài sản, đăng ký, quản lý hộ tịch, quản lý dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo, hệ thống khám, chữa bệnh... Trong đó ngành Bảo hiểm xã hội tạo đột phá trong cải cách hành chính bằng việc triển khai hướng dẫn, cài đặt sử dụng “Bảo hiểm xã hội số” (VssID).
Việc thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử đang được triển khai tích cực trong các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp và người dân có 2.691 tổ chức và cá nhân chấp nhận thanh toán phí dịch vụ không dùng tiền mặt, 68 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.
Quang cảnh Sở Thông tin và Truyền thông tại buổi làm việc với huyện Trần Đề về công tác Chuyển đổi số
Bên cạnh những kết quả đạt được công tác cải cách hành chính gắn với chính quyền số trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Số lượng người dân, tổ chức đăng ký tài khoản trực tuyến, hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính quyền số còn chậm, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin.
Để tiếp tục chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số trong thời gian tới, hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu quả huyện tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực hiện tốt Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai, hoàn thiện và khai thác, sử dụng có hiệu quả, đúng tiến độ các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh đã và đang được triển khai.
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng hằng năm các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tạo chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính.