14:57 19/04/2024
Sóc Trăng đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác Phòng chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, quan trọng, cấp bách, lâu dài cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản và phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng là đột phá quan trọng. Vì vậy, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Theo đó, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh mà trực tiếp là Ban Nội chính Tỉnh ủy là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện công tác PCTN trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tham mưu ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; gương mẫu, liêm khiết, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCTN, các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách. Tăng cường công tác thanh tra trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các hành vi tham nhũng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Qua đó, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Công tác đấu tranh PCTN ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tính từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 700 lớp/cuộc với hơn 40.000 lượt người tham dự, phát hành hơn 29.000 tài liệu để lồng ghép tuyên truyền các nội dung của pháp luật về công tác PCTN đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh đã phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra tổ chức tập huấn, hướng dẫn công tác kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ cho hơn 200 đại biểu tham dự là người phụ trách công tác kê khai tài sản, thu nhập tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Thanh tra tỉnh đã triển khai 09 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 09 đơn vị, đã kết thúc và ban hành kết luận 09/09 cuộc. Qua thanh tra cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị triển khai, thực hiện chưa đầy đủ các quy định; những hạn chế chủ yếu là: Chưa kê khai đầy đủ thông tin trong bản kê khai tài sản, thu nhập; chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo quy định; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chưa thực hiện đầy đủ theo quy định; chưa xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Các Đoàn thanh tra đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế; đồng thời kiến nghị các cơ quan, đơn vị khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót theo quy định.

Thực hiện Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ quy định tại danh mục vị trí công tác phải chuyển đổi để hằng năm ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng trong kỳ đã thực hiện chuyển đổi vị trí 224 trường hợp theo quy định. Thực hiện Công văn số 3241/UBND-NC, ngày 28/11/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập hằng năm, hiện nay, toàn tỉnh có 39/39 cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tổ chức triển khai, thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập năm 2023. Các đơn vị đã hoàn thành việc lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai gửi về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Theo thống kê năm 2023, toàn tỉnh có 2.427 người có nghĩa vụ kê khai thuộc quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của Thanh tra tỉnh, trong đó, có 88 người kê khai lần đầu, 2.304 người kê khai hằng năm và 35 người kê khai bổ sung. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tổ chức hướng dẫn kê khai; lập sổ theo dõi việc kê khai, giao nhận bản kê khai và thực hiện công khai bản kê khai theo quy định. Trong kỳ đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 08/08 cơ quan, đơn vị , 18/18 người, đã ban hành 18 kết luận và công bố kết luận tại 08/08 đơn vị[1], đạt 100% kế hoạch phê duyệt. Qua công tác xác minh tài sản, thu nhập chưa phát hiện trường hợp kê khai không trung thực, nội dung thiếu sót chủ yếu là do văn bản hướng dẫn còn có nhiều cách hiểu, nhận thức khác nhau nên dẫn đến một số thông tin quy định kê khai chưa đầy đủ, rõ ràng.

Để nâng cao hơn nữa công tác PCTN trong thời gian tới,

Thanh tra tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, quyết liệt chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả xử lý tài sản tham nhũng; tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đối với công tác PCTN, tiêu cực. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả những quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích; từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước. Đổi mới hình thức, đa dạng nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn. Nâng cao hơn nữa điểm đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh theo bộ chỉ số của Thanh tra Chính phủ.

Tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt” theo Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…/.

Lê Ngọc Long, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng.
Đến tháng 5
tỉnh Sóc trăng đã giải quyết

hồ sơ đúng hạn
Đã tiếp nhận:
Đã giải quyết:
Tự động cập nhật vào lúc:
CHUYÊN MỤC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
LIÊN KẾT WEB